Cõng Mẹ Đi Chơi

Trần Đăng Tuấn - "Cách đây lâu rồi, Trần Quế Sơn từ Đà Nẵng ra, trong quán nhỏ Hà nội hát cho bạn bè mình nghe "Cõng Mẹ Đi Chơi". Cả bọn xúc động rưng rưng, ngạc nhiên sao có bài hát hay thế mà ít người biết (Dù Sơn nói cũng được trao giải nào đó của Hội). Lời bài hát còn được viết lên tường quán quen. Nhiều lần không có Sơn, cả bọn nhìn lên tường nhẩm hát lại. Vì bài hát giản dị đến mức chỉ cần nghe một lần là nhớ nhạc.
         Những năm sau Sơn in đĩa. Nhưng chắc cũng ít ai mua. Sơn lụi hụi làm các đêm diễn. Nhưng không có tài trợ, có lần nhờ mình tìm nhưng mình cũng không giúp được. Sơn vẫn thế, mỗi lần mình gặp, ít ai biết. Với mình, Sơn là nhạc sỹ của "Cõng Mẹ đi Chơi", và chỉ với bài hát ấy thôi, mình nghĩ Sơn đã là tên tuổi trong làng nhạc.
         Mình yêu bài hát nên ít ra hai lần đưa lên trang FB này của mình. Ai nghe bài hát cũng nói là hay. Nhưng ít like, cũng ít cmts. Thời buổi này, khó mà đòi hỏi người ta để thời gian ra click vào cái link để nghe bài hát người ta chưa nghe. Vả lại, trên FB đầy những cái link kiểu đó. Cá nhân mình hầu như chẳng bao giờ click. Từ lâu bài hát có trên You Tube, mà ít người tìm...
         Cho đến bây giờ, do được đưa lên trên một Show truyền hình ăn khách, bài "Cõng Mẹ Đi Chơi", nói theo cách hôm nay, "gây bão mạng". Cũng còn do người hát nữa.
         Mình vui. Và nghĩ về một điều: Quả thật truyền thông đại chúng "chính thống" (ở đây là truyền hình) có khả năng cực lớn. Những giá trị tử tế và đẹp đẽ có thể vẫn bị bỏ quên nếu như không được truyền thông "để ý". Và xã hội vẫn bị mất mát vì không biết đến chúng, dù rằng có những cách khác đơn lẻ để giới thiệu về các giá trị đó.
         Một khi truyền hình để mắt giới thiệu điều hay, sản phẩm văn hoá tinh thần tốt đẹp, thì bản thân nó (truyền hình) cũng tốt đẹp thêm lên trong mắt công chúng. Đã là truyền thông thì phải 'câu view". Có điều câu view theo cách giới thiệu những cái thật sự quý thì khó hơn, nhưng là cách lâu bền hơn.
         Trách người và cũng tự trách mình, là dạo này chuyện như thế có phần hiếm hoi."
(Nguồn: T.Đ.T's FB)
CÕNG MẸ ĐI CHƠI
Sáng tác: Trần Quế Sơn
Trình diễn: Nguyễn Duy Dũng



Dìu mẹ đi chơi
Cõng mẹ đi chơi
Dìu mẹ đi chơi.
Mẹ và con đi chơi thênh thang một cõi
quên những nhọc nhằn quên những dày vò tâm can.
Từng nụ hoa tinh khôi vi vu cười gió
ươm nắng hồng đào như những mặt người tinh khôi.

Mẹ và con đi chơi, đi ra bờ suối
con suối chạy dài khua cả vòm trời lung lay.
Rồi vài mươi năm sau đi qua trần thế
con cõng mẹ về con cõng mẹ về thiên thai.
------------

Hôm nay cõng mẹ đi chơi, một mai ngồi khóc bên trời.
Hôm nay cõng mẹ đi chơi, một mai mẹ bỏ con rồi.
Mẹ để con mồ côi.

Hôm nay cõng mẹ đi chơi, một mai ngồi khóc bên trời.
Hôm nay cõng mẹ đi chơi, một mai mẹ phải lên trời.
Mẹ đành rời xa, rời xa con rồi

Cuối đời là trò chơi.
Trò chơi lên trời.

Dìu mẹ đi chơi
Cõng mẹ đi chơi
Dìu mẹ đi chơi.
Cõng mẹ lên trời.


*********
Trần Quế Sơn kể về hoàn cảnh ra đời của bài hát:

"Năm 1997 mẹ tôi phải sống xa tôi đã tám năm. Dù đã là thanh niên nhưng tôi vẫn hay khóc khi nhớ mẹ. Tôi nhớ mẹ tôi cứ phải thức dậy lúc bốn giờ sáng làm tất cả mọi việc như đi chợ, bếp núc, đồng áng; mẹ không bao giờ được nghỉ trưa, chỉ chợp mắt được vài giờ buổi tối. Tôi nhớ nhất là khi dùng cơm bữa mẹ chỉ dùng phần đầu và xương cá (những phần nguội ngặm người đời hay bỏ đi mà thi sĩ Bùi Giáng hay dùng), phần ngon nhất dành hết cho các con; từ tuổi thanh xuân đến khi già mẹ tôi vẫn phải như vậy.

Thế rồi tôi hay nhớ mẹ, hay khóc, tôi muốn viết một ca khúc tặng mẹ.

Tôi nghĩ đến nhạc sĩ Phạm Duy với “Mẹ quê”, Phạm Thế Mỹ với “Bông hồng cài áo”, Y Vân với “Lòng mẹ”, Trịnh Công Sơn với “Đường xa vạn dặm”, Trần Long Ẩn với “Mừng Tuổi mẹ”…Các anh ấy thật tài, qua vài thập niên những nhạc phẩm trên về mẹ vẫn như những bông hoa cau rụng trắng, bát ngát hồn mỗi chúng ta.

Tôi lại nghĩ đến những hình ảnh về mẹ: lam lũ, tần tảo nuôi con, mắt mờ, lưng còng, áo rách, tóc bạc trắng như mây… Tất cả những hình ảnh trên các nhạc sĩ đi trước đã phát hiện và dùng hết rồi, bây giờ tôi phải viết sao đây? Viết nghe giống giống, quen quen với ca khúc các nhạc sĩ khác là điều tôi không chấp nhận.

Vào một đêm nọ tôi phiêu diêu trên phố Sài Gòn với anh bạn Văn Hường, một gã thi sĩ đường phố, nhân lúc nhớ lai hình ảnh một cậu bé cõng mẹ đi đâu đó, mẹ câu bé khóc sụt sùi, anh đọc cho tôi nghe:

Ngày xưa mẹ cõng con,
con cười trên lưng mẹ,
ngày nay con cõng mẹ,
mẹ khóc ướt lưng con.

Đêm đấy tôi về nghĩ đến một hình ảnh vô thường, vô ngã; tôi muốn cõng mẹ tôi đi vào một cõi thênh thang, chỉ có suối, có hoa, có trời trong bướm lượn, cho mẹ hóa thành tiên nữ, cho mẹ quên hết những nhọc nhằn dày vò thân mẹ; tôi muốn cõng mẹ đi theo con cóc là cậu ông trời, cõng mẹ cưỡi gió bay lên trời xin thêm tuổi cho mẹ. Tôi run sợ khi nghĩ đến ngày mất mẹ, mất mẹ bếp sẽ lạnh lẽo đến mức nào, mất mẹ dây trầu sẽ chết khô mất thôi, mất mẹ khi buồn tủi con biết tựa vào ai…

Bài hát Cõng mẹ đi chơi ra đời từ cảm xúc như vậy. Lúc đầu tôi viết nhịp ¾, bài hát êm đềm, nhẹ nhàng, được nhạc sĩ Trương Tuyết Mai đồng cảm và dàn dựng thu âm trên Đài Tiếng Nói Nhân Dân TP Hồ Chí Minh, ca sĩ Tuấn Đạt thể hiện. Các nghệ sĩ kịch Việt Anh, Lê Vũ Cầu cứ rưng rưng khi nghe ca khúc này.

Cho đến năm 2001, tôi bị tai nạn giao thông nằm viện nhiều tháng tại bệnh viện Chấn Thương Chỉnh Hình, mẹ từ quê vào nuôi tôi, bệnh viện chật chội mẹ phải chui xuống gầm giường để ngủ; mẹ đi chợ mua thức ăn cho tôi lại bị tai nạn giao thông bật xương tay trái, hình ảnh mẹ đội nón lá, tay băng bột đi lững thững giữa phố Sài Gòn như những nhát dao cắt vào tim tôi, vào hồn tôi rỉ máu…

Tôi chống nạng đứng chết lặng nhìn mẹ, tôi nhận ra nhịp ¾ êm đềm, nhẹ nhàng không diễn tả hết được nỗi đau lòng tôi, nỗi đau của vết thương tôi mang trên chân không xé trời như nỗi đau trong tâm khảm khi nghĩ về cuộc đời cơ cực của mẹ; tôi nhận ra phải viết ca khúc Cõng mẹ đi chơi” kịch tính, nội tâm hơn, hiện đại hơn; và từ đó tôi bắt đầu viết lại ca khúc này theo thể loại rock giao hưởng (Symphony rock).

Đến năm 2002 ca khúc tạm hoàn chỉnh, tôi bắt đầu hòa âm phối khí, tôi rất chú trọng hình tương âm nhạc trong tác phẩm nên việc hòa âm phối khí tác phẩm trên mất rất nhiều thời gian.

Năm 2004 tôi nhờ ca sĩ KaSim Hoàng Vũ thu thanh, nhưng do không đủ tiền trả cho KaSim nên việc thu âm không thực hiện được; tôi lại nhờ ca sĩ Hồ Quỳnh Hương, sau khi nghe bản demo tôi hát tạm, Hương bảo: Anh hát hay vậy sao không thu âm luôn đi. Tôi không biết mình hát như thế nào, nhưng nghe Hương động viên tôi liều một phen làm ca sĩ.

Kể từ đó tôi thành người hay hát, hát nghêu ngao tài tử không cần kỹ thuật gì, hát bằng cảm xúc từ tâm, hát cho nhà báo Cung Văn, Nam Đồng, Hà Đình Nguyên, Huỳnh Ngọc Chênh… rưng rưng buồn; hát cho nhà báo Bút Bi, Đặng Ngọc Khoa, Lưu Nhi Dũ…sụt sùi như đứa trẻ; hát xong nhạc sĩ Đynh Trầm Ca ngồi khóc, hát và không ngờ có những người nửa đêm vượt mấy mươi cây số chạy về ôm mẹ chứa chan…

Khi nghe tôi hát trực tiếp trên truyền hình, lại có những vần thơ của người đồng cảm gởi mail qua điện thoại cho tôi: Chiều nay cõng mẹ đi chơi, kẻo mai mẹ phải lên trời cò đâu, lưng con ướt đẫm giọt sầu, giọt cay giọt đắng bể dâu một đời. (Bác sĩ Đại, bệnh viện Quảng Nam); Người ta cõng mẹ đi chơi, còn tôi cõng cả một đời bơ vơ, ngậm ngùi nhớ thuở còn thơ, trên lưng mẹ cõng vô bờ yêu thương…” (ca sĩ Tuyết Mai, mồ côi mẹ từ nhỏ); rồi lại có một thi sĩ hỏi tôi: “Khi Sơn viết “Cõng me đi chơi Sơn có biết một nhà tư tưởng nước ngoài đã nói câu này không: Cái chết là một trò chơi lớn, dù không muốn ai cũng phải dự phần

Năm 2005 nhận được tin “Cõng mẹ đi chơi đoạt giải nhất Hội Nhạc sĩ Việt Nam, tôi vui lắm, món quà tinh thần này là kỷ niệm đẹp đời nhạc sĩ, động viên tôi viết nhiều tác phẩm hay. Xin cám ơn tất cả khán thính giả đã đồng cảm với tôi, đặc biệt thính giả Việt Khuê nào đó (tôi rất muốn biết) đã viết trang cảm xúc về “Cõng mẹ đi chơi trên báo Người Lao Động rất tinh tế và xúc động, xin cám ơn tất cả các ca sĩ già, trẻ đã thể hiện bài hát này bằng sự tự nguyện, bằng nỗi niềm, tình yêu của mình với mẹ.
Bài hát do ca sĩ Quang Linh thể hiện

Bài đăng phổ biến